6 năm khó khăn nhất của Hoàng Anh Gia Lai


6 năm khó khăn nhất của Hoàng Anh Gia Lai, ông Đoàn Nguyên Đức về TPHCM đều ở khách sạn Rex, nơi ông chỉ qua lại với “vài người bạn tào lao”, tránh gặp những người bạn trong giới kinh doanh. Ông kiên nhẫn chịu đựng sự khinh thường của người khác, vì thấm thía “đã thất bại thì cái tôi cũng không còn”.

Tô Lan Hương: Cuối cùng thì tôi cũng có cơ hội ngồi trò chuyện cùng ông, vào thời điểm mà “Hoàng Anh Gia Lai vừa vượt qua cửa tử” như chính ông tuyên bố. Giờ thì ông chẳng những không còn là người giàu nhất sàn chứng khoán, mà Hoàng Anh Gia Lai còn phải gánh trên vai mình khoản nợ 8.000 tỷ đồng. Có bao giờ trong những năm qua, ông ân hận vì đã bỏ Bất Động Sản đi làm nông nghiệp, vì nếu không, ông có thể sẽ không trải qua 10 năm giông bão vừa rồi?

Đoàn Nguyên Đức: Bây giờ mà tôi nói tôi không ân hận, nhiều người sẽ cho rằng tôi đang nói cứng. Nhưng năm đó khi rời bỏ Bất Động Sản, tôi rất rõ ràng về mục tiêu của mình.

Lúc ấy Hoàng Anh Gia Lai đang là số 1 trên thị trường Bất Động Sản. Chúng tôi thành danh trên lĩnh vực này, cũng kiếm lời từ Bất Động Sản rất nhiều. Nhưng ai làm Bất Động Sản sẽ hiểu, đây là một ngành rất phức tạp, có những thứ thấy vậy mà không phải vậy.

Thời điểm đó, không chỉ vì Bất Động Sản khó khăn hơn mà tôi bỏ. Tôi bỏ còn vì biết mình không còn phù hợp để đi theo con đường này nữa, cũng không muốn theo nữa.

Mà Hoàng Anh Gia Lai bỏ Bất Động Sản rất dứt khoát. Bỏ là bán sạch, không còn gì lưu luyến. Từ lúc đưa ra quyết định đến lúc bán đi toàn bộ là 2 năm. Toàn bộ cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai đều đồng ý với lựa chọn này.

Cũng có một lý do khiến Hoàng Anh Gia Lai tự tin rời bỏ Bất Động Sản không chút lưu luyến là vì khi đó ngành cao su đang ở đỉnh cao, người ta gọi cao su là vàng trắng, vì giá vốn có 1.300 USD/tấn, nhưng bán 5.000 USD/tấn, hoàn toàn bỏ xa Bất Động Sản. Mà tôi vốn là người qua Lào đầu tư làm ăn từ rất sớm nên có điều kiện phát triển vùng trồng cao su với quy mô lớn ở đây.

Suy nghĩ đi suy nghĩ lại tôi bán toàn bộ đất đai, dồn hết toàn bộ tiền qua Lào làm cao su. Ngoài ra, tôi còn đầu tư thêm Bất Động Sản ở Myanmar chứ không làm ở Việt Nam.

Tiếc là sau 5 năm, đến lúc được thu hoạch cao su, thì giá cao su đang từ 5.000 USD/tấn rớt xuống còn dưới 1.000 USD/tấn. Quỹ đầu tư lớn của Singapore là Temasek khi đầu tư 120 triệu USD vào Hoàng Anh Gia Lai thời điểm đó dự kiến thị trường xấu lắm cũng chỉ xuống mức 3.000 USD/ tấn. Chẳng ai ngờ giá cao su lại xuống thấp hơn dự tính nhiều, dưới cả giá vốn. Việc này trở thành nguyên nhân chủ chốt khiến Hoàng Anh Gia Lai mất thanh khoản những năm về sau.

Tô Lan Hương: Lúc từ bỏ Bất Động Sản sang trồng cao su, ông có nghĩ mình sẽ vấp ngã ở đây?

Đoàn Nguyên Đức: Tôi luôn nhìn chuyện kinh doanh như những trận bóng đá. Một đội bóng ngày hôm nay là vinh quang huy hoàng, nhưng ngày mai có thể sụp đổ trong chớp nhoáng. Sau mỗi trận bóng thành công, những cầu thủ bóng đá sẽ được tung hô, nhưng chỉ cần họ thất bại, thì anh hùng ngày hôm qua có thể lập tức trở thành tội đồ trong lòng khán giả.

Trên thương trường cũng vậy, luôn có phần trăm thất bại, kể cả trong những dự án tưởng như chắc ăn nhất. Người mà ta thấy đang ở trên đỉnh cao ngày hôm nay, không ai biết một năm tới sẽ thế nào. Người đang thất bại hôm nay, cũng có thể đổi đời vào một ngày nào đó không xa. Cho nên còn kinh doanh thì còn thất bại, còn kinh doanh thì cũng còn thành công.

Năm đó, tôi tính nếu giá cao su là giá 5.000 USD, thì từ 2016, mỗi năm Hoàng Anh Gia Lai có 500 triệu USD lợi nhuận. Nhưng không ai kiểm soát được thị trường. Khi thị trường xuống, thì tôi cũng đành thua mà thôi. Nhưng không có nghĩa rằng tôi không bao giờ có thể gượng dậy…

Tô Lan Hương: Khi tự nhìn lại quãng đường mà ông đã đi 10 năm qua, ông nghĩ gì…

Đoàn Nguyên Đức: Tôi thấy quá khổ!

Tô Lan Hương: Thế mỗi lần ông xuất hiện trên truyền thông, tôi chỉ thấy ông bình thản và lạc quan. Lẽ nào sự bình thản và lạc quan đó chỉ là bề ngoài mà ông cố tình để cho thiên hạ nhìn thấy?

Đoàn Nguyên Đức: Tôi có lo lắng, nhưng lo là để tính toán chứ không phải sợ sệt. Còn lại tôi rất bình tĩnh.

Những năm vừa qua, kể cả cha mẹ hay vợ con, tất cả đều nhiều lần khuyên tôi từ bỏ, nhưng lần nào tôi cũng bảo gia đình mình bình tĩnh, vì tôi vẫn tin tôi sẽ làm lại được.

Tô Lan Hương: Nếu áp lực về việc mình sẽ không gượng dậy được nữa không phải là điều ông sợ hãi, thì nỗi khổ của ông là gì?

Đoàn Nguyên Đức: Là nỗi khổ sở và sự khó chịu khi phải đối mặt với những người khinh mình, coi thường mình. Những năm qua, tôi đã thấm thía điều đó. Có những người tôi đã giúp họ đáng kể để họ thành công, cho họ có cơ hội có chỗ đứng trên thương trường, nhưng khi tôi thất bại, họ quay sang chê bai, coi thường tôi không biết làm ăn.

Tô Lan Hương: Và ông đối diện thế nào với sự khinh thường đó?

Đoàn Nguyên Đức: Tôi tổn thương! Nhưng tổn thương thì có thể làm gì? Tôi chỉ có cách im lặng và nghĩ cách vượt lên. Những năm tháng qua dạy tôi bình thản và dạy tôi biết cách tin rằng một ngày mai trời sẽ sáng trở lại. Tôi học cách coi sự khinh thường là động lực. Càng nhiều người coi thường, thì càng nhiều động lực để tôi tiếp tục nỗ lực, quyết tâm.

Ngày xưa, khi người Thái Lan rất coi thường bóng đá Việt Nam, tôi quyết tâm mời Kiatisak về Hoàng Anh Gia Lai. Giờ người ta coi thường tôi, thì tôi càng phải lèo lái Hoàng Anh Gia Lai vượt qua cơn khủng hoảng này!

Có lẽ trên thương trường Việt Nam, không mấy ai có nhiều bài học hơn tôi. Vì bài học mà tôi có là bài học của người từ trên đỉnh cao, người đi chuyên cơ riêng đầu tiên, người giàu nhất sàn chứng khoán rớt xuống. Giờ rớt xuống rồi, không còn tất cả những hào quang cũ nữa, tôi lại phải đi từ gốc rạ đi lên.

Rất nhiều thăng trầm khác nhau làm tôi hiểu được cuộc đời. Đến mức mà dù sau này, nếu có thoát khỏi khó khăn và lấy lại được vị trí của mình đi chăng nữa, tôi sẽ chẳng bao giờ dám khinh ai.

Tô Lan Hương: Một ví dụ về sự thay đổi trong cuộc sống của ông những năm qua?

Đoàn Nguyên Đức: 6 năm vừa rồi, tôi không chủ động gặp, cũng không tiếp đón bất cứ một người quen nào trong giới kinh doanh. Tôi “lặn sâu” theo mọi nghĩa.

Tôi không muốn để người ta có cơ hội khinh mình, càng không muốn khiến họ lo lắng tôi gặp họ là để vay mượn, nhờ vả. Tôi có nhiều mối quan hệ để có thể nhờ đến, nhưng trong những năm qua, tôi tự hào vì tôi không hề lợi dụng ai. Càng lúc khó khăn, tôi càng hạn chế đi cầu cạnh hay làm phiền người khác.

6 năm vừa rồi, mỗi khi vào TPHCM, tôi vẫn ở khách sạn Rex như trước. Nhưng tôi không gặp bạn bè doanh nhân, mà chỉ gọi điện cho vài người bạn tào lao, mời họ ăn cơm, cà phê, nói chuyện đời…

Tô Lan Hương: Thế nào thì được coi là “những người bạn tào lao” của Đoàn Nguyên Đức?

Đoàn Nguyên Đức: Là những người mà ánh mắt họ nhìn Đoàn Nguyên Đức dù là khi ông ta giàu nhất sàn chứng khoán với khi ông ta gánh trên vai khoản nợ 30.000 tỷ đồng đều không hề thay đổi. Tôi muốn và tôi cần những người bạn như thế.

Tô Lan Hương: Người từng không có gì cả đi lên đỉnh cao, rồi lại từ đỉnh cao mà mất đi tất cả như ông sẽ thấy điều gì khó hơn: là gây dựng tất cả từ con số 0, hay đang từ đỉnh cao rơi xuống tận đáy và phải bắt đầu lại?

Đoàn Nguyên Đức: Năm đó, lúc bắt đầu, tôi chỉ là một cậu bé chăn trâu. Tôi khởi nghiệp mà không có tiền, không có kinh nghiệm, không có quan hệ, không có cộng sự, cũng không có uy tín. Chứ bây giờ, dù khó khăn vấp ngã, tôi vẫn còn kinh nghiệm ở đây, vẫn còn tài sản ở đây, vẫn còn thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai ở đây, còn những nhân viên Hoàng Anh Gia Lai kề vai sát cánh.

Tôi chỉ phải làm lại thôi. Tôi không phải là con số 0 tròn trịa như tôi năm đó. Nên dù thế nào, bây giờ cũng dễ dàng hơn rất nhiều.

Tô Lan Hương: Còn thách thức khi cái tôi của mình bị giẫm đạp thì sao?

Đoàn Nguyên Đức: Đã thất bại thì còn cái tôi gì nữa? Tôi chỉ có thể ngậm đắng nuốt cay mà nhìn sự thật rồi cặm cụi làm việc, tìm cách thoát khỏi thất bại này.

Tô Lan Hương: Nhiều người nói rằng những năm qua, ông rất loay hoay với các lựa chọn của mình. Ông làm đủ thứ, chuyển hướng nhiều lần, nhưng vẫn không giúp cho Hoàng Anh Gia Lai thoát khỏi khủng hoảng.

Đoàn Nguyên Đức: Đúng là những năm qua, tôi làm nhiều thứ. Lúc tôi trồng mía đường, khi thì trồng chanh dây, trồng ớt, lúc lại nuôi bò, trồng chuối… nhưng dù làm gì thì thất bại cốt lõi của tôi vẫn là cao su. Chúng tôi nuôi bò hay làm mía đường đều có lãi, nhưng không cứu được Hoàng Anh Gia Lai, vì lúc đó cao su đã khiến Hoàng Anh Gia Lai mất thanh khoản, cứ bán được con bò nào là bị ngân hàng thu nợ con bò đó, không cho vay lại, nên Hoàng Anh Gia Lai không tái đàn được, đành chịu thua.

Tô Lan Hương: Trong 6 năm không vay được đồng nào từ ngân hàng, ông đã làm những gì để Hoàng Anh Gia Lai có thể sống sót?

Đoàn Nguyên Đức: Một doanh nghiệp đã mất thanh khoản như Hoàng Anh Gia Lai thời điểm đó, thì việc ngân hàng từ chối cho vay là lẽ thường. Vì thế chúng tôi phải xoay sở mọi cách để tồn tại: chúng tôi trồng chanh dây, trồng mía, trồng ớt, thanh long, chuối…

Người ta cười vì tôi làm đủ thứ, nhưng tôi không ngại nói với họ rằng, không có những loại cây ngắn ngày đó thì không giúp Hoàng Anh Gia Lai vượt qua được những ngày bĩ cực nhất, sống sót đến bây giờ, rồi gặp những đối tác như Thaco của anh Trần Bá Dương sau này. Không có những loại cây ngắn hạn đó thì cũng không có ngày hôm nay.

Cuối cùng chanh dây và ớt không còn, nhưng chuối thì còn. Cho đến hôm nay, cây chuối tiềm năng hơn.

Tô Lan Hương: 6 năm qua có lẽ cũng là quãng thời gian khó khăn nhất trong đời làm kinh doanh của ông, ông nhớ điều gì nhất?

Đoàn Nguyên Đức: Vào lúc Hoàng Anh Gia Lai mất thanh khoản, tôi may mắn có một người bạn – một đối tác cũ người Đài Loan. Vì thấy tôi khó khăn nên người này đã đề xuất tôi trồng chanh dây và ớt, đồng thời tìm thị trường giúp Hoàng Anh Gia Lai tiêu thụ hai loại trái này ở thị trường Trung Quốc.

Cũng nhờ đó mà tôi mới bắt đầu tìm đến thị trường này, rồi quyết định trồng chuối. Đó là người đã trao cơ hội sống cho Hoàng Anh Gia Lai trong cõi chết. Đó là một ký ức tôi nhớ.

Tôi cũng nhớ thời điểm tôi chính thức tuyên bố Hoàng Anh Gia Lai mất thanh khoản. Lúc đó nếu Chính phủ không đồng ý cho Hoàng Anh Gia Lai tái cấu trúc toàn bộ nợ nần thì Hoàng Anh Gia Lai không còn cơ hội trở mình nữa. Nhưng may mắn là chúng tôi đã được trao cơ hội đó.

Thời điểm đó, tôi đã nghĩ đến việc phá sản và bán tài sản trả nợ, chấp nhận mọi thứ đến với mình, đã sẵn sàng phủi tay đứng dậy để đi về. Mà đi về là còn tiền nhé, chưa hết đâu. Ít nhất là đủ tiền để tôi sống thảnh thơi đến già. Nhưng tôi vẫn mong có được cơ hội để làm lại từ đầu, không chỉ cho riêng tôi, mà còn cho thương hiệu Hoàng Anh Gia Lai và những nhân viên của Hoàng Anh Gia Lai đã đi theo tôi nhiều năm.

Tô Lan Hương: Khi không ít người bên ngoài coi thường ông, thì nhân viên của ông, cộng sự của ông có rời bỏ ông đi?

Đoàn Nguyên Đức: Đó là điều an ủi nhất, hạnh phúc lớn lao nhất của tôi trong những năm qua. Không ai bỏ tôi mà đi, mà hầu hết họ đều là những người đã theo tôi hai ba chục năm. Số người rời đi chỉ đếm trên đầu ngón tay, nhưng họ đi vì lý do cá nhân, chứ không phải họ rời bỏ Hoàng Anh Gia Lai vì chê Ba Đức không nuôi nổi họ.

Lúc tôi khó khăn nhất, tưởng như chết đến nơi rồi, nhân viên của tôi vẫn miệt mài làm ngày đêm, không ai nản lòng, không ai bỏ cuộc. Tất cả đều trung thành, chiến đấu đến giờ chót.

Có những bộ phận nửa đêm vẫn còn làm, đi bất cứ nơi đâu, giờ giấc không giới hạn. Mà chị phải biết rằng những ngày tháng đó, có thời điểm 8 tháng Hoàng Anh Gia Lai không thể trả lương cho bất cứ nhân viên nào, nhưng họ vẫn trung thành và làm việc hết mình như thế. Không một tin tức nào về việc Hoàng Anh Gia Lai nợ lương nhân viên 8 tháng lọt ra ngoài, chỉ vì họ không muốn Hoàng Anh Gia Lai gặp thêm những sóng gió, áp lực mới.

Khi tôi bàn giao Công ty Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HNG) cho anh Trần Bá Dương, thì tôi cũng bàn giao cả nhân viên của HNG. Nhưng cuối cùng, nhiều người xin quay trở lại Hoàng Anh Gia Lai.

Không phải vì HNG của anh Trần Bá Dương đối xử với họ không đủ tốt, cũng không phải vì Hoàng Anh Gia Lai trả nhiều tiền hơn HNG, mà chỉ bởi vì họ không nỡ xa ngôi nhà họ đã gắn bó nhiều năm. Và chính những người đó đang là những nhân sự nòng cốt cùng tôi xây dựng thương hiệu heo ăn chuối Bapi hôm nay.

Tô Lan Hương: Cơ sở nào khiến ông tự tin Hoàng Anh Gia Lai đã thoát khỏi cửa tử?

Đoàn Nguyên Đức: Nếu Hoàng Anh Gia Lai nuôi giống tất cả người khác nuôi, chúng tôi sẽ không có gì khác người để mà tự tin. Nhưng tôi may mắn có nguồn chuối vô tận (là các quả chuối bị loại từ chuối xuất khẩu của Hoàng Anh Gia Lai sang thị trường Nhật, Hàn và Trung Quốc). Số chuối này chiếm 40% lượng thức ăn, tiết kiệm 30% chi phí.

Nên với tôi, nuôi heo không có khái niệm lỗ. Với sản lượng chuối bị loại là 200.000 tấn mỗi năm hiện nay, chúng tôi có thể nuôi 1 triệu con heo. Doanh thu của ngành công nghiệp thịt heo lên tới 15 tỷ USD/năm. Với ngần đó lý do, tôi không thể thua.

Sau khi bàn giao HNG cho Thaco, Hoàng Anh Gia Lai hiện giờ chỉ còn nông nghiệp, không còn gì khác, và chúng tôi cũng sẽ không làm gì khác ngoài nông nghiệp. Định hướng của Hoàng Anh Gia Lai chỉ là làm nông nghiệp và đầu tư vào hệ sinh thái nông nghiệp. Ví dụ có thể nhà máy chế biến thức ăn, nhà máy giết mổ và đầu tư hệ thống phân phối sản phẩm.

Chúng tôi phát triển nuôi hai cây (chuối + sầu riêng), hai con (lợn + gà). Tôi tự tin, đến năm 2025, Hoàng Anh Gia Lai sẽ trả hết nợ.

Tô Lan Hương: Nếu một ngày thực sự thoát khỏi nợ nần như ông dự định, ông có mơ ước quay lại vị trí người giàu nhất sàn chứng khoán năm nào?

Đoàn Nguyên Đức: Không, điều đó với tôi không có ý nghĩa gì nữa. Tôi chỉ mong có thể tạo dựng một Hoàng Anh Gia Lai vững chắc, chăm lo được đời sống của những người đã theo tôi hàng chục năm nay và hoàn thành lời hứa với cổ đông đã tin tưởng tôi và Hoàng Anh Gia Lai nhiều năm qua.

Tô Lan Hương: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Nội dung: Tô Lan Hương

Ảnh: Hải Long

Thiết kế: Đỗ Diệp

27/10/20

Leave A Reply

Your email address will not be published.